* Hầu hết các phụ huynh đều rất hoảng loạn khi trẻ bị co giật do sốt và họ không biết phải làm gì mà thực tế họ cũng chưa kịp làm gì thì cơn giật đã qua rồi. Hầu như không có bà mẹ nào không khóc khi chứng kiến cơn co giật của con mình. Với những phụ huynh có con giật 1 lần rồi họ sẽ bị ám ảnh mãi không nguôi.
– Chúng ta biết rằng, co giật là do các tế bào não (neuron thần kinh) phóng điện đột ngột, nhất thời và quá mức gây ra. Co giật có thể do rất nhiều nguyên nhân: do sốt cao, do bị viêm não, viêm màng não, hạ đường huyết, hạ canxi máu, động kinh… Trong đó co giật do sốt cao là hay gặp hơn cả.
– Co giật do sốt thường lành tính và không để lại di chứng gì. Các trẻ này vẫn thông minh và phát triển bình thường về sau. Tình trạng co giật thường chấm dứt sau 6 tuổi.
– Co giật do các nguyên nhân khác như viêm não, viêm màng não, động kinh… thì sẽ kéo dài hơn và để lại di chứng về sau.
* Mặc dù co giật do sốt là lành tính không để lại di chứng nhưng những trẻ đã co giật 1 lần thì có xu hướng giật lại ở những lần sau, vì vậy việc nhận diện và thái độ xử trí đúng cách của phụ huynh rất quan trọng.
1. Trước hết hãy nhận diện 1 cơn co giật ở trẻ
– Cơn co giật lành tính do sốt thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi, ngoài lứa tuổi này mà trẻ có co giật cần hết sức cảnh giác các nguyên nhân khác. Nhiệt độ nào có thể gây giật: không có ngưỡng cụ thể cho tất cả các trẻ. Nhưng thông thường các trẻ thường sốt trên 38.5 độ C là có thể bị co giật.
– Biểu hiện của cơn giật: giật toàn thân, cắn chặt răng, trợn mắt, gồng cứng tay, duỗi cứng 2 chân, tím tái, đại – tiểu tiện ra quần… nếu trẻ chỉ giật 1 chi hay 1 nơi nào đó trên cơ thế thì coi chừng do nguyên nhân khác.
– Cơn giật chỉ kéo dài vài phút, không bao giờ kéo dài quá 15 phút. Sau cơn giật trẻ ngủ thiếp đi khoảng 5 -10 phút rồi tỉnh lại chơi bình thường.
– Cơn giật thường xuất hiện đột ngột không báo trước, trong 24 giờ đầu kể từ khi khởi phát sốt, khiến ta không kịp trở tay. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi nhiệt độ sát sao, xử trí sốt hợp lý và kịp thời thì có thể hạn chế khởi phát cơn giật
* Nếu trẻ co giật không giống như trên mô tả hãy cảnh giác các nguyên nhân nguy hiểm hơn: viêm não, màng não…
2. Xử trí trong cơn co giật như thế nào cho đúng?
– Phải bình tĩnh, dẹp hết mọi thứ xung quanh để không gian thoáng cho trẻ nhằm tránh va chạm gây thương tích. Gia đình không nên xúm vào xoa bóp hay lay gọi trẻ.
– Nới lỏng áo quần nếu trẻ mặc đồ quá chật.
– Đặt trẻ nằm nghiêng bên trái, cổ ngửa ra 1 chút, không nhét hay đè bất cứ thứ gì vào miệng trẻ. Nếu trẻ chảy nhớt dãi thì dùng khăn lau sạch.
– Trẻ đang sốt hãy gọi 1 người phụ, dùng 1 viên Paracetamol đặt hậu môn cho trẻ (liều 15 mg/kg/lần). Có thể phối hợp lau mát bằng nước ấm.
– Không kìm giữ hay ôm chặt trẻ.
– Hãy nhìn đồng hồ xem cơn giật kéo dài bao lâu.
– Chờ cho trẻ hết giật (không nên đưa trẻ đang co giật đi trên đường nếu không có phương tiện cấp cứu cùng đi). Khi trẻ qua cơn giật hãy đưa trẻ tới phòng khám hoặc bệnh viện để được khám và theo dõi.
– Mục đích của việc theo dõi sau giật tại phòng khám hoặc bệnh viện, nhằm xác định chính xác giật này là do sốt hay do bệnh khác nặng hơn.
ThS.BS. Trần Đức Lượng