Lồng ruột là trạng thái bệnh lý do một đoạn ruột chui vào lòng đoạn ruột kế cận gây ra tắc ruột. Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, với 75% số trường hợp xảy ra trước 2 tuổi và 90% số trường hợp xảy ra trước 3tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của tắc ruột ở lứa tuổi này và bệnh thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái với tỉ lệ 2/1 – 3/2.
Đoạn ruột lồng làm tắc ruột và cuối cùng làm giảm lưu lượng máu đến đoạn ruột bị lồng gây thiếu máu, hoại tử và thủng.
1.Những triệu chứng gợi ý trẻ bị lồng ruột:
- Trẻ khóc thét từng cơn: thường trẻ đang khỏe mạnh, đột nhiên khóc thét, hai chân co lên bụng, ưỡn người, mỗi cơn đau kéo dài 5- 10 phút trong cơn đau trẻ tái nhợt vã mồ hôi. Cơn đau thường dừng đột ngột như nó khởi phát. Giữa hai cơn đau trẻ thường mệt lả , thiếp đi và bỏ bú.
- Kèm theo khóc thét trẻ thường nôn ói: lúc đầu trẻ nôn ra sữa hoặc thức ăn mới ăn vào sau đó là thức ăn đã tiêu hóa và dịch mật.
- Ỉa máu: là triệu chứng thường xuất hiện khoàng 12h sau cơn đau đầu tiên, dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.
2.Phương tiện chẩn đoán bệnh lý lồng ruột:
- Siêu âm: Là lựa chọn đầu tiên. Với giá trị chẩn đoán hầu như tuyệt đối với các nhà siêu âm có kinh nghiệm.
- Xquang đại tràng cản quang: dần được thay thế bởi siêu âm, hầu như rất ít sử dụng để chẩn đoán lồng ruột
3.Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột ở trẻ:
Phần lớn lồng ruột ở trẻ em không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng và được phân loại vào nhóm lồng ruột vô căn. Bệnh cảnh phổ biến trong nhóm lồng ruột này thường được khởi phát với biểu hiện của nhiểm siêu vi đường hô hấp hoặc tiêu hóa gây phì đại tổ chức bạch huyết ở đoạn cuối hồi tràng làm cản trở nhu động ruột, đóng vai trò khởi điểm của lồng ruột. Do đó, mùa nhiễm siêu vi đường hô hấp thì lồng ruột lại xảy ra nhiều hơn.
Khoảng 12% bệnh nhi lồng ruột có nguyên nhân gây khởi điểm lồng ruột, phổ biến nhất là túi thừa Meckel , polyp ruột, nang ruột đôi.
Khoảng 12% bệnh nhi lồng ruột có nguyên nhân gây khởi điểm lồng ruột, phổ biến nhất là túi thừa Meckel , polyp ruột, nang ruột đôi.
4.Các phương pháp điều trị lồng ruột:
Có nhiều phương pháp điều trị lồng ruột như tháo lồng bằng hơi, tháo lồng dưới áp lực thuỷ tĩnh, phẫu thuật tháo lồng bằng tay , phẫu thuật nội soi ổ bụng tháo lồng. Hiện nay, tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh những bệnh nhi bị lồng ruột đến sớm đều được điều trị lồng ruột bằng phương pháp tháo lồng bằng bơm hơi. Điều trị bằng cách này, trẻ hồi phục rất nhanh, chỉ sau vài giờ, trẻ đã bú lại, sinh hoạt bình thường. Trường hợp bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá muộn, tình trạng bệnh nghiêm trọng thì phải phẫu thuật. Tùy thuốc tình trạng bệnh nhân có thể cân nhắc phẫu thuật nội soi hay mổ mở.
Do nguyên nhân gây ra lồng ruột ở trẻ vẫn chưa được xác định nên không có biện pháp nào để phòng tránh trẻ bị lồng ruột cụ thể, cách tốt nhất là bố mẹ phải nhanh chóng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của trẻ. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Karl-Ludwig Waag (2006), “Intussusception”, Pediatric Surgery, SpringerVerlag, pp.313-320
2.Trường đại học Y Dược TPHCM (2018), “Lồng ruột”, Ngoại Nhi lâm sàng. Nhà xuất bản Y học, tr: 140 – 151.
3.Trường đại học Y Hà Nội – Bộ môn ngoại (2005), “Lồng ruột ở trẻ bú mẹ và trẻ em”, Cấp cứu Ngoại khoa (Nhi khoa), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr: 105 –120.
2.Trường đại học Y Dược TPHCM (2018), “Lồng ruột”, Ngoại Nhi lâm sàng. Nhà xuất bản Y học, tr: 140 – 151.
3.Trường đại học Y Hà Nội – Bộ môn ngoại (2005), “Lồng ruột ở trẻ bú mẹ và trẻ em”, Cấp cứu Ngoại khoa (Nhi khoa), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr: 105 –120.