Bệnh chốc là gì? Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị bệnh chốc

0
595

Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vẩy tiết. Nguyên nhân thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác vì vậy bệnh còn được gọi là “chốc lây”. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhận biết trẻ bị bệnh chốc

Khởi phát là dát đỏ xung huyết đường kính 0,5 – 1cm đường kính, sau đó bọng nước nhanh chóng phát triển trên các dát đỏ. Bọng nước có thể hóa mủ nhanh chóng sau vài giờ. Bọng nước nhanh chóng dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong. Nếu ở đầu, vảy tiết làm bết tóc. Khoảng 7-10 ngày sau, vảy tiết bong đi để lại dát hồng, ẩm ướt, ít lâu sau lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ để lại dát tăng sắc tố.

Tổn thương thường ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chi dưới. Trẻ thường không sốt, đôi khi có hạch viêm do phản ứng. Trẻ có thể ngứa nhiều hoặc ít.

Chú ý: Cha mẹ trẻ thường nhầm với một số bệnh như: Thủy đậu, zona, bỏng,…

                                      Hình ảnh trẻ em bị bệnh chốc
                               Hình ảnh trẻ bị bệnh chốc

Xét nghiệm

Xét nghiệm thường không cần thiết. Bác sĩ sẽ cân nhắc làm một số xét nghiệm khi trẻ có sốt, hoặc bệnh lây lan nhiều và lâu khỏi, hoặc đã điều trị không hiệu quả.

Một số xét nghiệm: Công thức máu, nước tiểu, hoặc nuôi cấy dịch tổn thương làm kháng sinh đồ.

Chăm sóc trẻ bị bệnh chốc

– Quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ chốc lây lan sang vùng da khác của trẻ hoặc lây sang người khác: mặc quần áo dài hoặc sử dụng gạc không dính để che thương tổn.

– Rửa thương tổn nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý, sát trùng bằng povidone iodine hoặc chlorhexidine.

– Trẻ vẫn được tắm gội thường xuyên hàng ngày. Không kiêng thức ăn đặc biệt nào.

– Thương tổn nhiều, lan rộng, nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh và tránh lây cho trẻ khác.

Cần đưa trẻ đi khám khi nào?

Chốc là bệnh lành tính. Xử trí hoặc điều trị kịp thời, hầu hết bệnh chốc khỏi sau 7-10 ngày, không để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh có thể gây một số biến chứng như viêm quầng, viêm mô bào, hội chứng bong vảy da do tụ cầu, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, hoặc chốc loét khỏi sẽ để lại sẹo,… Do vậy, trẻ cần được thăm khám sớm khi thương tổn xuất hiện 2 ngày không có biểu hiện thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện khác, ví dụ: sốt, quấy khóc nhiều,…

Điều trị

– Điều trị sớm, tránh lây lan, hạn chế biến chứng.

– Trường hợp nhẹ hoặc thương tổn khu trú: Kháng sinh bôi tại chỗ: a.fusidic

– Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng: Kháng sinh bôi tại chỗ, kháng sinh toàn thân, khống chế ngứa để hạn chế lây lan.

– Nếu có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng.

Phòng bệnh

  • Chú ý phòng bệnh cho trẻ nhỏ, nhất là sau khi mắc bệnh do vi rút hoặc sởi.
  • Tắm rửa vệ sinh ngoài da, cắt tóc, cắt móng tay.
  • Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, côn trùng đốt.
* Lưu ý: Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nhận biết như trên, bố mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện khám sớm để phòng tránh bệnh chuyển biến nặng hơn.
* Bố mẹ có thể liên hệ cho bệnh viện theo địa chỉ và số HOTLINE dưới đây để được giải đáp nhanh và tư vấn tận tình!

Bài viết bởi Khoa Nhi – Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh

 BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA VINH
“Đổi mới – Phát triển – Hài lòng người bệnh”
“Trao y đức – nhận niềm tin – vì sức khỏe nhân dân”
* Hotline : 0373 666 115
* Thời gian làm việc: Tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày thứ 7, CN & ngày lễ.
* Địa chỉ: 161B Nguyễn Phong Sắc – Phường Hưng Dũng – TP Vinh – Nghệ An.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here