WHO tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

0
558
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều 30-1 (giờ địa phương) - Ảnh: REUTERS

Sáng sớm nay 31/01/2020 theo giờ Việt Nam, tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh do vi rút corona (2019-nCoV) đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc vi rút này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Đây là cuộc họp lần thứ hai của Uỷ ban khẩn cấp WHO kể từ khi ghi nhận các trường hợp xác định mắc nCoV tại Trung Quốc 31/12/2019. Theo Điều lệ Y tế quốc tế (2005):  “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” là sự việc bất thường:

(i) gây ra nguy cơ về y tế công cộng cho quốc gia khác thông qua sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi quốc tế;

Và (ii) đòi hỏi có sự phối hợp ứng phó trên phạm vi quốc tế.

Đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 7.711 trường hợp xác định mắc vi rút nCoV (trong đó 1.370 trường hợp nặng và 170 tử vong) và 12.167 trường hợp nghi ngờ… 124 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện. 

Tại 18 quốc gia cũng đã ghi nhận 83 trường hợp mắc trong đó chỉ có 7 trường hợp không có tiền sử đi lại tại Trung Quốc: Có sự lây truyền từ người sang người tại 03 quốc gia (ngoài Trung Quốc). 01 trường hợp nặng và chưa ghi nhận tử vong.

Tại cuộc họp, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào dựa trên thông tin hiện có. Các khuyến nghị tạm thời đã được đề xuất:  

1. ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

Tiếp tục:

• Triển khai chiến lược về truyền thông nguy cơ để thường xuyên thông báo cho người dân diễn biến của dịch bệnh, các biện pháp dự phòng và bảo vệ cũng như các biện pháp ứng phó ngăn chặn dịch bệnh.

• Tăng cường các biện pháp về y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh hiện nay.

• Đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống y tế và bảo vệ nguồn nhân lực là cán bộ y tế.

• Tăng cường giám sát và phát hiện chủ động trên phạm vi cả nước.

• Phối hợp với WHO và các đối tác tiến hành điều tra để hiểu về dịch tễ học và sự phát triển của dịch bệnh và các biện pháp ngăn chặn.

• Chia sẻ các dữ liệu liên quan về các trường hợp mắc ở người.

• Tiếp tục xác định nguồn lây bệnh truyền từ động vật sang người, đặc biệt là khả năng lưu hành với WHO ngay khi thông tin có sẵn.

• Tiến hành sàng lọc xuất cảnh tại các sân bay quốc tế và cảng biển với mục đích phát hiện sớm hành khách có triệu chứng để đánh giá và điều trị, đồng thời giảm thiểu sự cản trở về giao thông quốc tế.

2. ĐỐI VỚI TẤT CẢ CÁC QUỐC GIA

Dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc tại bất kỳ quốc gia nào. Do đó, tất cả các quốc gia cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn sự lây lan của vi rút corona, bao gồm giám sát chủ động, phát hiện sớm, cách ly và quản lý ca bệnh, truy tìm các trường hợp tiếp xúc liên quan và chia sẻ thông tin, dữ liệu đầy đủ với WHO theo yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế.

Bất kỳ phát hiện nào về 2019-nCoV ở động vật (bao gồm thông tin về loài, xét nghiệm chẩn đoán và thông tin về dịch tễ học liên quan) phải thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) như là bệnh mới nổi.

Các quốc gia cần đặc biệt chú trọng đến việc giảm mắc trên người, dự phòng lây nhiễm thứ cấp và quốc tế, góp phần vào hoạt động ứng phó trên phạm vi quốc tế thông qua phối hợp hợp tác đa ngành về chia sẻ thông tin, tham gia tích cực hiểu biết về vi rút cũng như các nghiên cứu.

Dựa trên các thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc giao thương. Các quốc gia phải thông báo cho WHO về bất kỳ biện pháp đi lại nào được triển khai theo yêu cầu của IHR. Các quốc gia được cảnh báo về những hành động chống lại sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử theo các nguyên tắc của IHR.

3. ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Vì đây là một vi rút corona mới và trước đây đã chứng minh các vi rút corona tương tự cần có những nỗ lực để chia sẻ thông tin thường xuyên và nghiên cứu. Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và hợp tác, tuân thủ Điều 44 của IHR (2005), trong việc hỗ trợ lẫn nhau xác định nguồn gốc của vi rút mới này, khả năng lây truyền từ người sang người và nghiên cứu cần thiết xây dựng phác đồ điều trị.

WHO sẽ hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong việc ứng phó với sự kiện cũng như tạo điều kiện tiếp cận với chẩn đoán, vắc xin và phương thức điều trị.

Theo Điều 43 của IHR, các quốc gia thành viên khi triển khai các biện pháp y tế bổ sung mà gây cản trở đến giao thông quốc tế (từ chối nhập cảnh hành khách quốc tế, hành lý, hàng hóa, container, phương tiện vận chuyển, hàng hóa,…chậm hơn 24 giờ) có nghĩa vụ gửi cho WHO: cơ sở lý luận và các giải thích liên quan về y tế công cộng trong vòng 48 giờ khi thực hiện. WHO sẽ xem xét giải thích và có thể yêu cầu các quốc gia xem xét lại các biện pháp. WHO sẽ chia sẻ với các quốc gia thành viên khác thông tin về các biện pháp và giải thích nhận được.

WHO sẽ tổ chức họp lại trong vòng ba tháng hoặc sớm hơn, theo quyết định của Tổng giám đốc tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here