Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Y tế Việt Nam

0
946

          Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam kể từ thế kỷ XX cho đến nay. Tác phong, đạo đức đầy nhân văn của Người đã có sức cảm hóa, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân ta. Trí tuệ thiên tài, tầm nhìn chiến lược của Người đã trở thành tài sản vô giá, là kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó phải kể đến ngành Y tế – một trong những ngành giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.

Những định hướng chiến lược

Cách đây đúng 58 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” và cũng kể đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

Trong bức thư, Người nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”. Ngành Y tế cần xác định được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước, để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, thỏa đáng. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Vâng lời Bác dạy, những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến cam go, khổ cực chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cả trong thời bình, dựng xây quê hương, đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của Bác kính yêu. Lịch sử ghi danh những chiến sỹ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Trong số họ, có biết bao người đã để lại một phần máu xương của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đất nước hòa bình, các chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, kể cả đồng bào ở những miền núi cao hay nơi hải đảo xa xôi.

Nghề Y là một nghề rất đặc biệt và cao quí trong xã hội. Đất nước càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng cao về chất lượng, cùng với những ảnh hưởng, tác động của xu thế phát triển toàn cầu hóa, người ta càng nói nhiều đến vấn đề y đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình. Đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, nên người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y, Tháng 3/1948).

Trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói đó rất đúng”. “Lương y phải như từ mẫu” – lời dạy của Bác là yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành y. Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Thời gian qua, bên cạnh rất nhiều những y bác sĩ đang ngày ngày tận tâm, tận lực với bệnh nhân, thì qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết được có những y, bác sĩ đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho bệnh nhân, thậm chí gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần, thể lực, nghiêm trọng nhất là khiến bệnh nhân thiệt mạng chỉ vì trình độ kém, y đức kém. Một phút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách đến vô cảm của đội ngũ cán bộ nghề y cũng có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến mất mát đớn đau và to lớn mà không gì có thể bù đắp nổi cho gia đình bệnh nhân – những con người đã đặt tất cả niềm tin, hy vọng vào họ. Trong lúc cả nước đang đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một lần nữa tiêu chuẩn đạo đức “Lương y như từ mẫu” lại được toàn thể cán bộ ngành y nói riêng và nhân dân ta nói chung quan tâm đặc biệt. Trước những cám dỗ của đồng tiền, người thầy thuốc phải giữ vững bản lĩnh của mình, nhìn thẳng vào căn bệnh, vào thể trạng bệnh nhân mà điều trị, không phân biệt giàu nghèo để có sự quan tâm như nhau, phải lấy tư tưởng y đức của Bác làm kim chỉ nam để không bị lầm đường lạc lối gây ra những buồn phiền cho người bệnh.

Thăm Bệnh xá Vân Đình (1963), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Ảnh Internet.

           Đối với con đường phát triển nền y tế nước nhà, Bác nói rằng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Ðông và thuốc Tây” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955). Theo Bác, “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc tây chữa được… Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y… Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như người có hai cái tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt, cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”. Đó chính là sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc. Định hướng đúng đắn này của Bác kính yêu đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện đạt kết quả tốt. Những năm qua, ngành y tế nước nhà đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, kết hợp chặt chẽ giữa Y học cổ truyền và Tây y, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những vốn quý của y học cổ truyền đã được lưu giữ và phát triển. Hiện nay, ở tất cả các cấp y tế, các cấp đào tạo từ thấp đến cao đều có giảng dạy Y học cổ truyền, điều này làm cho các cán bộ y tế nước ngoài đến chúng ta rất ngạc nhiên bởi sự có mặt của Khoa (Bộ môn) Y học cổ truyền trong  trường đào tạo và Khoa Đông Y trong các Bệnh viện hoặc Viện nghiên cứu chuyên ngành Y học cổ truyền.

Sức lôi cuốn diệu kỳ

Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trái tim nhân hậu, khối óc thiên tài, tác phong giản dị, chân thành, gần gũi đã có sức lôi cuốn và cảm hóa hầu hết những người đã từng sống, tiếp xúc, làm việc với Người. Đối với nền y học nước nhà, Bác đã có những đóng góp rất to lớn khi lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cách mạng nước nhà.

Trong số những trí thức nghề y quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác phải kể đến Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước – người sáng lập và xây dựng ngành Tai – Mũi – Họng Việt Nam, một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học Việt Nam hiện đại. Năm 1946, khi Hồ Chủ tịch dẫn đầu Phái đoàn hữu nghị đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đi thăm nước Pháp, Giáo sư Trần Hữu Tước được Hội Việt kiều cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch và đoàn  ngoại giao Việt Nam. Ông có cơ hội gần Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng nên được học hỏi nhiều điều. Ông hiểu cách mạng đã thành công nhưng đất nước và đồng bào cũng còn nhiều việc phải làm! Ông  nghĩ rằng “Phải về phục vụ trong khi nước nhà còn nhiều khó khăn mới đúng”! Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với một số trí thức Việt kiều nổi tiếng khác như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, v.v. Giáo sư Trần Hữu Tước đã tình nguyện từ bỏ cuộc sống hơn 13 năm đang ổn định và sinh hoạt sung túc ở Pháp, trở về phục vụ Tổ quốc. Từ đó cuộc đời người thầy thuốc nổi tiếng ấy gắn liền với đất nước, quê hương.

Trở về nước sau bao năm xa cách, Giáo sư Trần Hữu Tước đã có điều kiện dốc toàn bộ sức lực góp phần xây dựng một ngành Tai – Mũi – Họng Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều chuyên khoa sâu, có những đóng góp to lớn cho nền y học và y tế nước nhà, có tiếng vang trên trường quốc tế. Với những công trình và cống hiến xuất sắc của ông trong ngành y tế, Giáo sư Trần Hữu Tước được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1966), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kĩ thuật đợt I (1996), được tặng Kỷ niệm chương của Trung đoàn Thủ đô.

Trong những dòng hồi kí của mình, Giáo sư Trần Hữu Tước đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người vĩ đại, có ý nghĩa đặc biệt đối với tình cảm và cuộc đời ông, một con người mà Giáo sư vô cùng yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình, vì nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người. Đối với Giáo sư Trần Hữu Tước, Hồ Chủ tịch là hiện thân đầy đủ của sự kiên trì lí tưởng giải phóng và cách mạng cho dân tộc Việt Nam.

Cũng như Giáo sư Trần Hữu Tước, đáp lại tình yêu thương vĩ đại Bác dành cho, Giáo sư Hồ Đắc Di – một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập đã cố gắng sống và làm việc, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Giáo sư là người hiểu thấu tư tưởng và thấm nhuần đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện ở chính cuộc đời ông: Giáo sư là một trí thức, có địa vị cao trong xã hội, song cuộc sống hàng ngày rất giản dị, cởi mở, nhân hậu vị tha, trọng đạo lý hơn lợi lộc, hưởng thụ. Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng 8 huân chương cao quý, năm 1996 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật. Ông từng nói: “Càng sống lâu, càng suy ngẫm, càng hiểu sâu biết rộng, càng nhìn thấu kim cổ Đông Tây, ta càng thấy rõ Bác Hồ của chúng ta quả là bậc vĩ nhân của các vĩ nhân. Theo tôi, Người là một Einstein về mặt đạo đức. Lời nói nào của chúng ta có sâu xa đẹp đẽ đến đâu chăng nữa, cũng không thể nào nói lên đầy đủ tầm vóc của Người. Có lẽ chính lịch sử mới đủ sức nói lên tầm vóc đó. Điều kỳ diệu của Bác Hồ là Người là bậc thánh nhân xuất chúng nhưng lại không xa rời nhân dân đại chúng, là nhân vật thần thoại truyền kỳ nhưng lại gần gũi biết bao đối với những con người bình thường, nhỏ bé và bất hạnh. Người có ảnh hưởng sâu xa đến tâm tư, tình cảm của mỗi chúng ta, trẻ cũng như già”.

Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y. Ảnh Internet.

             Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng – vị bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bác, “dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ”, tâm hồn ông đã đi theo cách mạng. Trong suốt cuộc đời mình, Giáo sư đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, tin cậy với niềm tin yêu đặc biệt và tình cảm gần gũi. Không phụ lòng tin yêu của Bác, Giáo sư đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp với mong muốn đưa nền y học Việt Nam sánh ngang với các nước trên thế giới. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã để lại cho nền y học nước nhà 123 công trình khoa học, đặc biệt Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên ông: “Phương pháp Tôn Thất Tùng” (hay “phương pháp mổ gan khô”). Giáo sư từng viết: “Bác ơi, công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”. Ông nói: “Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều những trí thức ngành y đã được trí tuệ minh mẫn, trái tim bao la của Bác kính yêu lôi cuốn, cảm hóa và chỉ đường dẫn lối để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nước nhà. Bác luôn dành một sự trân trọng thật sự dành cho các trí thức. Đã giao việc là giao quyền. Đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Trong sử dụng trí thức, Người không bao giờ áp đặt, không bao giờ tỏ ý lên mặt dạy đời. Bác là người uyên bác, có thể còn ở trên tầm tư duy của bản thân trí thức, nhưng có lẽ chính vì vậy nên bao giờ cũng giản dị, khiêm tốn. Đó cũng là một phong cách rất trí thức, được trí thức ghi tạc, truyền tụng. Do đó, Hồ Chí Minh có một sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức kiêu sang nhất, khó tính nhất. Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước. Quả đúng như vậy. Bằng tất cả niềm tin yêu tuyệt đối dành cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu, rất nhiều các trí thức Việt Nam trong đó có trí thức ngành y đã bỏ lại vinh hoa phú quý, cuộc sống ổn định, cơ hội công danh xán lạn để theo kháng chiến, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020). Đây là dịp để một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu, những đóng góp to lớn của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam. Mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế cần phát huy nhiều hơn nữa về đạo đức, y đức, phẩm chất của người thầy thuốc theo đúng quan điểm mà sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói đó là “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Tất cả cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.

Theo: bqllang.gov.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here