BỆNH VÒNG THẮT BẨM SINH

0
9080

Vòng thắt bẩm sinh là một căn bệnh ở trẻ em có nguy cơ để lại di chứng rất cao. Biểu hiện thường gặp và dễ thấy là các ngấn sâu trên các chi (tay, chân) của trẻ nên rất nhiều phụ huynh lầm tưởng đó chỉ là các ngấn sinh ra do con mình bụ bẫm.

  1. Khái niệm bệnh

– Bệnh vòng thắt bẩm sinh là dị tật do các dải dây thắt bẩm sinh gây chèn ép các mạch máu và dây thần kinh, khiến cho phần cơ bên dưới vòng thắt không thể phát triển một cách bình thường và khỏe mạnh.

– Bệnh xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi, khi những dải màng ối hay còn được gọi là dây chằng màng ối (Amniotic Band Syndrome -ABS) quấn quanh các bộ phận của thai nhi khiến phần cơ thể đó không lưu thông máu. Thậm chí, nếu dải màng ối siết chặt hoàn toàn có thể dẫn tới cụt chi, dị tật tay chân như dính ngón, khoèo chân. Nếu dây chằng màng ối bám vào khu vực đầu, mặt hoặc cổ có thể dần tới các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch… Nguy hiểm hơn, nếu dây chằng này bám vào dây rốn hoặc thân mình có thể gây thai chết lưu.

– Bệnh này gặp với tỉ lệ 1 trong 1200 đến 1500 trẻ sinh ra. Vì ít gặp nên rất nhiều phụ huynh vẫn chưa biết về nó. Tuy vậy, nó lại rất nguy hiểm vì để lại di chứng cao, nếu không được phẫu thuật kịp thời thì trẻ có thể bị teo các chi do thiếu máu nuôi dưỡng, thậm chí là hoại tử tay chân.

  1. Nguyên nhân gây bệnh

Vòng thắt bẩm sinh là hội chứng không di truyền và không có cách phòng ngừa. Cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của bệnh. Có ba giả thuyết được đưa ra để phân tích nguyên nhân gây ra bệnh này như sau:

– Giả thuyết thứ nhất: do bất thường sản sinh ở mầm bào thai, từ đó tạo nên các dải dây dính trong quá trình phát triển khiến các bộ phận của thai nhi bị co thắt lại.

– Giả thuyết thứ hai: có thể do liên quan đến hiện tượng vỡ ối. Bởi khi xảy ra tình trạng nước ối của người mẹ bị vỡ, các mô từ màng ối bị tách ra sẽ tạo thành nhiều dải sợi ối nhỏ và mỏng. Những dải sợi ối này có thể vướng vào các bộ phận của thai nhi và gây tình trạng vòng thắt bẩm sinh.

– Giả thuyết thứ ba: do các chấn thương trong tử cung khi chọc ối hoặc phẫu thuật thai nhi. Khi tử cung xuất hiện chấn thương thì có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết, lúc đó những dải dây dính được tạo thành và quấn vào các bộ phận của thai nhi gây nên hiện tượng vòng thắt.

  1. Biểu hiện của bệnh

– Hội chứng vòng thắt bẩm sinh có biểu hiện rất đa dạng với các mức độ khác nhau. Đặc điểm để nhận biết bất thường là bố mẹ sẽ thấy các chi của bé xuất hiện các ngấn sâu hơn so với trường hợp trẻ có ngấn do bụ bẫm bình thường, vòng thắt sẽ lõm hẳn xuống so với phần da hai bên và thắt toàn bộ chu vi của các chi.

– Ở mức độ nhẹ, sẽ khó phát hiện triệu chứng của bệnh vì nó chỉ là một vết lõm tròn xuất hiện quanh ngón tay, chân hoặc cánh – cẳng tay, cẳng chân trẻ. Nhiều trường hợp mắc vòng thắt bẩm sinh nhẹ nếu không phát hiện sớm có thể gây ảnh hưởng đến chức năng vận động lâu dài về sau.

– Với những trường hợp nặng, các vòng thắt sâu, chặt hơn thì có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của chi như sưng to, phù nề (do làm hạn chế lưu thông dòng bạch huyết hoặc tĩnh mạch) hay tím tái do tắc động mạch.

  1. Chẩn đoán và điều trị

– Tuy vòng thắt bẩm sinh là một bệnh ít gặp và có tỉ lệ di chứng cao ở trẻ, nhưng căn bệnh nguy hiểm này hoàn toàn có thể phát hiện trước sinh qua siêu âm 3D và 4D. Những thai phụ có tình trạng này cần phải đi khám thai định kỳ đều đặn theo lịch hẹn của Bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi thường xuyên, đồng thời nhận các tư vấn về phác đồ điều trị hợp lý.

– Tùy thuộc vào mức độ tình trạng bệnh của bé, các Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có cần phẫu thuật ngay sau khi sinh để khắc phục hay ngăn ngừa các vấn đề do các vòng thắt bẩm sinh gây ra (như làm giảm lưu lượng máu và chèn ép dây thần kinh); hoặc nếu không cần can thiệp cấp cứu thì có thể trì hoãn cuộc phẫu thuật cho đến khi bé được ít nhất 6 tháng tuổi cũng như được dùng các thuốc gì hay không.

– Quá trình phẫu thuật điều trị bệnh này sẽ được tiến hành với các bước: đầu tiên là lấy vòng thắt, tiếp đó phải giải phóng các mạch máu thần kinh, gân và cơ ở vị trí vòng thắt bị những tổ chức mô xơ sợi này bao quanh và siết chặt. Sau mổ, chi của bé sẽ thoát khỏi vòng siết chặt, các mạch máu nuôi lưu thông tốt, vết mổ khô.

Tóm lại, Vòng thắt bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển toàn diện cũng như cuộc sống của trẻ về sau. Vì vậy, nếu bố mẹ thấy bé có những ngấn bất thường ở tay, chân thì hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có được kết luận chính xác nhất.

Hiện nay, tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh đã có đầy đủ các phương tiện cũng như con người với nhiều kinh nghiệm để chẩn đoán (ngay từ trong bào thai) và điều trị bệnh này.

Mọi người có thể liên hệ khám và tư vấn bệnh này qua Tổ chăm sóc khách hàng của Bệnh viện, số điện thoại: 0373.666.115 hoặc trực tiếp với ThS.BS: Trần Đức Lượng_Chuyên khoa Nhi – Nội – Tim mạch (Hơn 10 năm kinh nghiệm trong các Bệnh bẩm sinh ở trẻ em đặc biệt là Bệnh tim bẩm sinh) qua số điện thoại: 0946.514.766 hoặc 0366.066.237

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here