CHĂM SÓC BỆNH NHI SAU PHẪU THUẬT KHE HỞ VÒM MIỆNG

0
2213

 1. Đại cương

     Để điều trị khe hở vòm miệng (KHVM) cần thực hiện nhiều biện pháp nhưng trong đó phẫu thuật tạo hình vòm miệng là biện pháp cơ bản nhất. Thông thường thời điểm được lựa chọn để phẫu thuật khe hở vòm miệng tốt nhất khi trẻ đạt từ 12 đến 18 tháng tuổi, trẻ đủ sức khỏe và cân nặng đạt khoảng 10kg. Không những trong mà sau phẫu thuật có thể gặp phải một số biến chứng ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Vì vậy, công tác chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật khe hở vòm có vai trò rất quan trọng để mang lại kết quả tốt nhất.

  1. Hướng dẫn, chăm sóc sau phẫu thuật hở vòm miệng

2.1 Trong thời gian nằm viện

2.1.1. Ngày đầu tiên sau mổ:

  • Theo dõi tinh thần, niêm mạc, mạch, nhiệt độ.
  • Sau phẫu thuật KHVM, tình trạng phù nề vùng hầu họng và tăng tiết dịch có thể gây khó thở ở bệnh nhi. Cần quan sát nhịp thở để phát hiện sớm bất thường. Trường hợp có biểu hiện tắc nghẽn đường thở thì cần cho trẻ nằm nghiêng, hút đờm dãi.
  • Theo dõi màu sắc dịch tiết trong miệng: Nếu dịch tiết màu hồng nhạt là bình thường, dịch tiết màu đỏ tươi là trẻ có nguy cơ chảy máu, cần báo với bác sĩ phẫu thuật/điều trị.
  • Theo dõi tình trạng nôn ở trẻ vì thuốc gây mê có thể gây tác dụng phụ này.
  • Cho trẻ ăn: Khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn sử dụng thìa cho trẻ uống sữa nguội, số lượng ít, chia nhỏ bữa thành nhiều lần. Chú ý không được cho trẻ bú bình và nên cho trẻ ăn sau khi dùng thuốc giảm đau 30 phút.
  • Chú ý giữ vệ sinh miệng, mũi sạch sẽ bằng dung dịch nước muối dạng xịt dùng nhiều lần trong ngày để tránh nhiễm khuẩn . Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội nhiều lần trong ngày và sau khi ăn.

2.1.2. Ngày thứ 2 đến ngày thứ 4:

  • Theo dõi toàn trạng, nhịp thở, nhiệt độ, …
  • Cho trẻ uống sữa nguội bằng đổ thìa, số lượng ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày.
  • Vệ sinh miệng, mũi sạch sẽ bằng dung dịch muối NaCl 0,9% hoặc dung dịch muối dạng xịt, uống nước đun sôi để nguội nhiều lần trong ngày và sau khi ăn.

2.1.3. Sau 5 ngày:

  • Theo dõi toàn trạng của trẻ.
  • Đảm bảo vệ sinh miệng, mũi sạch cho trẻ.
  • Cho trẻ ăn bằng thìa các loại thức ăn nguội đủ dinh dưỡng được chế biến dưới dạng lỏng.

2.2. Sau khi ra viện

2.2.1 Chế độ ăn uống

  • Sau phẫu thuật 2 tuần: Trẻ bắt đầu có thể ăn những loại thức ăn khác như cháo đặc có đủ dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả, ….
  • Tuần thứ 3 sau phẫu thuật cho trẻ ăn thêm cơm mềm hoặc cơm nghiền nát.
  • Chú ý đối với trẻ ở 3 tuần đầu không được cho trẻ sử dụng ống hút, phải cho ăn uống bằng thìa để tránh làm tổn thương vùng phẫu thuật; Không cho trẻ ăn các thức ăn cứng như bánh mì nướng, bánh quy, mía, ….
  • Sau phẫu thuật một tháng nếu phục hồi tốt, không có biến chứng gì trẻ có thể ăn uống bình thường như những trẻ ở cùng lứa tuổi.

1.2.2 Chăm sóc

  • Phải theo dõi và vệ sinh mũi, miệng sạch cho trẻ bằng nước muối 0,9%.
  • Không cho trẻ chơi, ngậm các đồ vật cứng, sắc nhọn để tránh làm tổn thương, chảy máu vết mổ vòm miệng. Trong những tuần này có thể sử dụng nẹp cánh tay hỗ trợ để hạn chế việc trẻ cho tay hay đồ vật vào miệng.
  • Do thời gian đầu sau dùng thuốc gây mê nên trẻ có thể dễ bị ngã nên chú ý hơn trong việc giữ không để trẻ ngã.
  • Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau, trẻ sẽ ngủ yên, giúp giảm chảy máu vết mổ và trẻ mau hồi phục.
  • Theo dõi biến chứng và tái khám theo lịch của bác sĩ.
  1. Theo dõi và xử trí biến chứng sau phẫu thuật

3.1. Chảy máu sau phẫu thuật

   Theo dõi nếu thấy bệnh nhân chảy nhiều máu đỏ tươi trong khoang miệng, chảy qua đường mũi. Cần theo dõi toàn trạng của trẻ, cho trẻ nằm nghiêng một bên và báo ngay cho bác sĩ biết tình trạng của trẻ.

3.2 Nhiễm trùng vết mổ

    Biểu hiện trẻ sốt, quấy khóc rất khó chịu, quanh vết mổ có giả mạc, hơi thở hôi. Cần báo cho bác sĩ và dùng kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt theo chỉ định. Chú ý giữ vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên.

3.3 Toác (bục) vết mổ hay các lỗ thủng ở vùng phẫu thuật

    Do đứt chỉ hoặc hoại tử làm đường khâu toác rộng, sẹo sẽ không liền lại được cần đưa trẻ tái khám. Thông thường với trường hợp này cần chờ để mổ lại sau 1 năm.

    Do trải qua một cuộc phẫu thuật nên trẻ sẽ đau và khó chịu có thể quấy khóc nhiều hơn, nếu không xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, hay khó thở thì bố mẹ không cần quá lo lắng chỉ cần theo dõi trẻ sát là được.

    Chăm sóc sau phẫu thuật khe hở vòm miệng đúng cách rất quan trọng trong việc phục hồi tốt và hạn chế biến chứng. Nên cha mẹ cần chú ý thực hiện đúng các điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn, chăm sóc và theo dõi trẻ sau phẫu thuật.

  • Để được tư vấn, khám và phẫu thuật điều trị khe hở môi – vòm miệng miễn phí với sự tài trợ của Tổ chức SmileTrain (Mỹ) tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, Gia đình có thể liên hệ với BSCKII. Lê Xuân Thu qua số điện thoại: 0913342193.

                                                   Phạm Quỳnh Lê

            Khoa Răng hàm mặt – Mắt Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here