Hơn ba triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0
706

Thế giới ghi nhận hơn ba triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 210.000 người đã chết, một số nước nới hạn chế khi tình hình đã ổn định hơn.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.035.177 ca nhiễm và 210.551 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 69.814 và 4.286 ca so với hôm qua. 891.804 người đã hồi phục sau khi ghi nhận thêm 28.340 trường hợp trong 24 giờ qua.

Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 985.374 ca nhiễm, trong đó 55.952 người đã tử vong, tăng lần lượt 21.995 và 1.142 ca. Cho đến nay, Mỹ đã thực hiện gần 5,6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, song giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.

Các bang Alaska, Georgia, Oklahoma và một số bang khác bắt đầu mở cửa lại cửa hàng bán lẻ, công viên, bãi biển từ 24/4. Georgia, Tennessee mở cửa trở lại các nhà hàng từ 27/4, dù các chuyên gia y tế cho rằng cần duy trì cách biệt cộng đồng để ngăn virus lây lan.

Thống đốc Texas Greg Abbott tuyên bố tất cả các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bảo tàng và thư viện sẽ được phép mở lại vào 1/5 với công suất 25%. Alaska, Oklahoma, Minnesota, Mississippi, Colorado và Nam Carolina cũng bắt đầu cho phép một số hoạt động nhất định.

New York, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, tỏ ra thận trọng khi tỷ lệ nhập viện vẫn cao. Thống đốc Andrew Cuomo đang chuẩn bị gia hạn các biện pháp hạn chế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Sản xuất và xây dựng được khởi động lại ở một số khu vực chịu ít ảnh hưởng sau ngày 15/5.

New Jersey, bang bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai, California và khu vực Washington DC cam kết tiếp tục các biện pháp hạn chế.

Tây Ban Nha báo cáo số người chết do nCoV tăng lên 23.521 sau khi ghi nhận thêm 331 trường hợp. Số ca tử vong tăng trở lại chỉ một ngày sau khi giới chức nước này ghi nhận mức thấp nhất trong 5 tuần qua. Ca nhiễm tăng thêm 1.831 trường hợp lên 209.465, trong khi hơn 100.000 người đã hồi phục.

Chính phủ Tây Ban Nha nhận định Covid-19 ở nước này đã đạt đỉnh ngày 2/4. Đất nước với gần 47 triệu dân đã trải qua hơn 6 tuần phong tỏa, trong đó chỉ người lớn được rời nhà để mua thức ăn, thực phẩm hoặc đưa thú cưng đi dạo.

Từ ngày 26/4, tối đa 3 trẻ em dưới 14 tuổi trong mỗi hộ gia đình Tây Ban Nha sẽ được ra ngoài một lần mỗi ngày trong vòng một giờ trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h. Các em được vui chơi ngoài trời dưới sự giám sát của một phụ huynh và không đi cách nhà quá một km. Nhiều trẻ em đã đổ ra đường phố thủ đô Madrid ngay sau khi có quyết định nới lỏng phong tỏa.

Tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới. Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa lớn hơn vào ngày 28/4 và có thể áp dụng những biện pháp này từ nửa cuối tháng 5.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Italy ghi nhận thêm 1.739 ca nhiễm, giảm so với 2.324 ca một ngày trước đó, và 333 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 199.414 và 26.977, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.

Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5 khi ca nhiễm và ca tử vong liên tục giảm.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 3.742 ca nhiễm và 437 ca tử vong, tăng so với một ngày trước, nâng tổng số lên lần lượt 165.842 và 23.393.

Thủ tướng Edouard Philippe dự kiến hôm nay công bố các biện pháp mới sau khi lệnh phong tỏa hết hạn ngày 11/5. Các trường học sẽ dần mở cửa trở lại trong một động thái gây tranh cãi nhưng các quán cà phê và nhà hàng hiện vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 664 ca nhiễm và 85 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 158.434 và 6.061. Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.

Dù Đức bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa tuần trước, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân thận trọng và không nên mất kiên nhẫn với các hạn chế nhằm ngăn virus lây lan. Hôm 25/4, khoảng 1.000 người biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa ở Berlin, bất chấp lệnh cấm tụ tập.

Anh phát hiện thêm 4.309 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 157.149. Nước này ghi nhận 21.092 ca tử vong, tăng 360 trường hợp, giảm so với một ngày trước đó.

Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua có bài phát biểu đầu tiên sau gần một tháng nhiễm nCoV và phải điều trị. Johnson khẳng định nước Anh sắp kết thúc “giai đoạn đầu của cuộc chiến” và “bắt đầu xoay chuyển tình thế” trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, ông cảnh báo đây là thời điểm “nguy cơ tối đa” và kêu gọi người dân không mất kiên nhẫn với lệnh phong tỏa.

Nga báo cáo thêm 6.198 ca nhiễm, nâng ca nhiễm cả nước lên 87.147, vượt Trung Quốc với 82.830 ca. Giới chức y tế Nga thông báo thêm 47 người chết, nâng ca tử vong lên 794.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov nói Covid-19 gây ra khủng hoảng và thách thức chưa từng có cho Nga, khiến giới chức nước này phải điều chỉnh biện pháp đối phó hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Các địa phương đang phối hợp với chính phủ để xây dựng biện pháp đối phó khủng hoảng và khắc phục hậu quả.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 91.472 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 96 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 5.806.

Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước.

Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ báo cáo 1.561 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 29.451 và 939. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5.

Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.

Đông Nam Á ghi nhận 40.766 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.445 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 14.423 ca nhiễm và 12 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 9.096 ca nhiễm và 765 ca tử vong, trong khi Philippines là vùng dịch thứ ba.

Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Theo: AFPCNN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here