Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán và theo dõi bệnh lý Tim mạch như: Điện tim thông thường, siêu âm tim, Holter điện tim, Holter huyết áp, CT Scanner, Máy đo độ xơ vữa mạch máu, Máy chụp mạch…Tất cả các phương tiện kỹ thuật này ở BV Đại học Y khoa Vinh đều có đầy đủ.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói tới 2 kỹ thuật có giá trị cao và tiện lợi mà hiện tại ở Nghệ An rất ít bệnh viện triển khai áp dụng được vì nó đòi hỏi phải có Bác sĩ chuyên khoa sâu về Tim mạch mới phân tích được kết quả rồi đưa ra hướng xử trí hợp lý đó là Holter điện tim và Holter huyết áp.
1. Holter điện tim:
– Holter điện tim là phương pháp ghi điện tim đồ liên tục trong khoảng thời gian nhất định, thường là trong 24h. Máy Holter điện tim là một thiết bị nhỏ gọn, dễ dàng mang bên mình để theo dõi nhịp tim mà gần như không gây ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào đến người bệnh. Các dữ liệu sẽ được lưu lại trong bộ nhớ của máy. Dựa trên việc phân tích kết quả thu được, Bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định được đầy đủ các thông số điện học tim của bệnh nhân.
Hình ảnh máy Holter điện tim |
– Holter điện tim giúp phát hiện các bất thường về nhịp tim mà điện tim thông thường không phát hiện được. Do vậy, kỹ thuật này giúp các Bác sĩ Tim mạch không bỏ sót bệnh.
– Holter điện tim được chỉ định đối với các trường hợp dưới đây:
+ Người có triệu chứng nghi ngờ do rối loạn nhịp tim gây nên như: Ngất xỉu, Choáng, Cơn chóng mặt không tìm thấy nguyên nhân, Cơn hồi hộp trống ngực, Cơn khó thở, Đau tức ngực, Mệt không rõ nguyên nhân, Tai biến mạch não nghi ngờ do cơn Rung nhĩ hay Cuồng nhĩ…
+ Người có rối loạn nhịp tim thoáng qua mà điện tim thông thường không phát hiện được.
+ Đánh giá chức năng của máy tạo nhịp tim, máy phá rung.
+ Theo dõi nhịp tim trong Nhi khoa: việc theo dõi và ghi điện tim thông thường ở trẻ em là vô cùng khó khăn vì trẻ có lồng ngực bé lại không chịu nằm yên, do đó Holter điện tim rất có giá trị và hợp lý ở lứa tuổi này.
– Việc đo nhịp tim bằng máy Holter không gây đau và không xâm lấn. Các điện cực, dây dẫn được giấu bên trong quần áo và bạn có thể mang máy trên dây nịt hoặc gắn vào dây đeo. Bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường trong khi đeo máy.
2. Holter huyết áp:
– Holter huyết áp là máy theo dõi huyết áp lưu động (ABPM = Ambulatory Blood Pressure Monitoring). Máy tự động đo huyết áp theo mỗi khoảng thời gian nhất định, thường là 30 phút 1 lần. Thời gian đeo máy liên tục trong 24 – 48h, thường là 24h. Trong thời gian đeo máy bệnh nhân vẫn có thể làm việc, sinh hoạt bình thường.
– Máy gọn nhẹ có kích cỡ như 1 chiếc radio cầm tay. Do đó bạn có thể bỏ máy vào túi hoặc đeo bên hông trong khi đi lại hoặc làm việc thường ngày. Các dữ liệu huyết áp được lưu lại trong bộ nhớ, sau 24h được nạp vào máy vi tính và Bác sĩ chuyên khoa sẽ phân tích kết quả biểu đồ huyết áp dao động trong ngày.
– Phương pháp đo huyết áp liên tục trong 24h này giúp ghi lại huyết áp trong suốt thời gian đeo máy thông qua một thiết bị đo tự động. Như vậy sẽ theo dõi đầy đủ và chính xác tình trạng huyết áp của bệnh nhân mà cách đo thông thường không thể thực hiện được. Qua đó, các Bác sĩ Tim mạch sẽ xác định chính xác thời điểm nào huyết áp lên cao hoặc có tụt huyết áp rồi đưa ra quyết định điều trị đúng đắn và hợp lý nhất.
– Phương pháp này chỉ cần thực hiện duy nhất 1 lần mà có thể chẩn đoán chính xác tăng huyết áp trong khi phương pháp đo thông thường còn nghi ngờ.
Hình ảnh máy Holter huyết áp |
– Những ai nên đeo máy Holter huyết áp?
Để hạn chế biến chứng do chẩn đoán và điều trị muộn tăng huyết áp, những trường hợp sau nên đeo Holter huyết áp 24h:
+ Huyết áp dao động bất thường, Nghi ngờ tăng huyết áp ban đêm.
+ Nghi ngờ “tăng huyết áp áo choàng trắng”, Tăng huyết áp ẩn dấu, Tăng huyết áp giới hạn.
+ Cần thông tin để quyết định điều trị; Xác định hiệu quả của thuốc qua 24h.
+ Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thai kỳ.
+ Đánh giá hạ huyết áp triệu chứng.
+ Rối loạn thần kinh thực vật.
+ Đái tháo đường.
+ Bệnh nhân lớn tuổi và đặc biệt ở trẻ em.
Tại khoa Tim mạch – BV Đại học Y khoa Vinh các kỹ thuật Holter điện tim và Holter huyết áp đã được thực hiện thường quy và được bảo hiểm y tế thanh toán mà không cần giấy chuyển tuyến. Vì vậy, các bạn hãy đến với chúng tôi để được phục vụ tốt nhất!
ThS.BS: Trần Đức Lượng
(Khoa Tim mạch – BV Đại học Y khoa Vinh)