PHẪU THUẬT CẮT TRĨ TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y KHOA VINH

0
2602

I. Bệnh trĩ là gì
Bệnh trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp.
Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên phồng to, trĩ được hình thành ở trên đường lược, gọi là trĩ nội. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ dưới phồng to, trĩ được hình thành ở dưới đường lược, gọi là trĩ ngoại.
Trĩ nội được phân thành bốn cấp độ tùy theo diễn tiến và mức độ suy của hệ tĩnh mạch trĩ:
– Độ 1: mới hình thành, chảy máu là triệu chứng chính
– Độ 2: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự co lên
– Độ 3: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu, phải đẩy mới lên được
– Độ 4: búi trĩ sa ra ngoài thường trực và có thể bị thắt nghẹt, dẫn đến hoại tử.
Trĩ hỗn hợp tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại. Thông thường, khi diễn tiến lâu ngày, phần trĩ nội và phần trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau, tạo thành trĩ hỗn hợp. Búi trĩ nội, khi đã sa tới độ 3, thường hiện diện dưới hình thái trĩ hỗn hợp.

II. Chỉ định cắt trĩ
Trĩ là căn bệnh phổ biến ở Việt nam. Hơn nửa dân số Việt nam mắc bệnh trĩ ở các mức độ khác nhau và bất cứ ai cũng bị căn bệnh này “hỏi thăm” ít nhất một lần trong đời.
Chỉ định cắt trĩ thường được lựa chọn cho những bệnh nhân có hiện tượng sa búi trĩ thường xuyên như trĩ nội độ 3, độ 4; Trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp hoặc trĩ vòng khi kèm theo các biến chứng của bệnh như:
• Trĩ tắc mạch: Tắc các tĩnh mạch trĩ làm cho da căng phồng lên, có thể màu tím, ấn thấy cứng và rất đau. Khi tắc mạch cấp tính, người bệnh rất đau và thường phải ngồi bằng một mông.
• Trĩ sa nghẹt: Là hiện tượng Trĩ sa nhiều gây nghẹt một phần hoặc toàn bộ chu vi hậu môn. Sa nghẹt gây đau đớn cho bệnh nhân và nếu không xử lý kịp thời sẽ gây lở loét, nhiễm khuẩn.
• Nhiễm khuẩn: Tổn thương trĩ rất dễ gây nhiễm khuẩn, dẫn đến viêm trong ống hậu môn gây cảm giác ngứa ngáy, nóng rát cho người bệnh.
Như vậy, khi bạn gặp phải một trong các biến chứng trên thì nên tới cơ sở y tế để khám và điều trị phẫu thuật.

III. Bảy phương pháp phẫu thuật cắt trĩ phổ biến nhất hiện nay
Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp ngoại khoa cuối cùng sử dụng khi tất cả các biện pháp nội khoa không còn tác dụng. Dưới đây là 7 phương pháp phẫu thuật cắt trĩ phổ biến nhất được áp dụng hiện nay:

1. Phương pháp cắt trĩ PPH
Có thể nói đây là phương pháp phẫu thuật cắt trĩ hiện đại nhất hiện nay có thể áp dụng cho các loại bệnh trĩ. Các thao tác thực hiện được tiến hành tự động bằng máy khâu nối tự động HYG-34 giúp loại bỏ tận gốc búi trĩ. Đây là phương pháp có khả năng phục hồi tổn thương nhanh, tỉ lệ tái phát bệnh thấp, ít gây đau đớn, ít làm tổn hại đến cơ vòng hậu môn và có tính thẩm mỹ cao.
Tuy nhiên, đây là phương pháp phẫu thuật có chi phí thực hiện khá cao.
2. Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo
Được đưa vào ứng dụng trong Y khoa từ năm 1993, phương pháp Longo cắt trĩ nhanh chóng trở thành phương pháp cắt trĩ được ưa chuộng với ưu điểm ít gây đau đớn, tỉ lệ tái phát bệnh thấp, thời gian phẫu thuật nhanh và có tính thẩm mỹ cao.

Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo

Cách thực hiện: Máy khâu sẽ tạo những đường khâu vòng trên đường lược có độ dài khoảng 3 – 4 cm với mục đích làm giảm lượng máu chảy vào búi trĩ. Từ đó cắt bỏ và làm thu nhỏ kích thước búi trĩ, hạn chế tối đa việc mất máu khi đi đại tiện.
3. Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT
Phẫu thuật cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT (high–frequency capacitance pile treating) nằm trong top những phương pháp cắt trĩ hiện đại nhất hiện nay. Lựa chọn cắt trĩ bằng sóng cao tần HCPT, bệnh nhân chỉ có cảm giác đau nhẹ hoặc không đau trong quá trình thực hiện và cả thời gian phục hồi bệnh. Bệnh nhân nhanh lành vết thương và sớm trở lại các sinh hoạt bình thường.
Cách thực hiện: Áp dụng nguyên tắc “nhiệt nội sinh” – sử dụng sóng điện từ tần cao ở 70 – 80 độ C làm đông các mạch máu, hình thành các mô sẹo tại tĩnh mạch khiến các búi trĩ bị thắt nút và không có máu duy trì. Sau đó tiến hành cắt búi trĩ tận gốc.
4. Phương pháp cắt trĩ bằng tia Laser
Kỹ thuật cắt trĩ bằng Laser sử dụng gồm nhiều loại như laser CO2, laser ND. Đây là một thủ thuật ngoại trú.
Cách thực hiện: Bệnh nhân được tiêm thuốc tê vào phần tĩnh mạch để tránh cảm giác đau đớn.
• Đối với các búi trĩ nội lớn, bác sĩ sẽ dùng tia laser ở chế độ lớn để cắt, còn các búi trĩ nhỏ sẽ được xử lí bằng chế độ tia laser bốc hơi. Sau khi hoàn thành, ở các vết cắt sẽ chỉ để lại vết sẹo nhỏ, không đau và nhanh lành.
• Đối với trĩ ngoại: do trĩ ngoại nằm dưới lớp da vùng hậu môn nên sẽ thực hiện cắt bỏ bằng chùm tia cắt laser.
5. Cắt trĩ bằng phương pháp siêu âm Doppler – THD
Phương pháp này có thể thực hiện cho người bệnh trĩ nội, trĩ ngoại và cả trĩ vòng. Đây là phương pháp thực hiện nhanh, không gây nhiều đau đớn và việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn.
Cách thực hiện: Bác sĩ tiêm thuốc tê và tiến hành khâu niêm mạc trĩ bằng nhiều mũi khâu vắt, sau đó cố định mũi khâu ở đầu cao trên ống hậu môn. Cách làm này khiến lượng máu lưu thông vào búi trĩ giảm dần, làm búi trĩ không được nuôi dưỡng, teo nhỏ và sẽ rụng.
6. Cắt trĩ bằng phương pháp Milligan Morgan
Đây là phương pháp cắt rtix căn bản nhất, áp dụng cho mọi loại trĩ, kể cả trĩ nặng và biến chứng. Với ưu điểm lớn giúp loại bỏ tận gốc búi trĩ, tuy nhiên phương pháp Milligan Morgan có điểm trừ khi tỉ lệ tái phát bệnh lại khoảng 5 – 7%, gây đau lâu và có thể gây tổn thương niêm mạc, dễ bị nhiễm trùng nếu không chăm sóc sau hậu phẫu không cẩn thận.
Cách thực hiện: Phẫu thuật mổ được tiến hành và các búi trĩ được cắt bỏ từ từ. Những mảnh niêm mạc da nằm giữa các búi trĩ được giữ lại và khâu nối với nhau làm giảm tổn thương trên bề mặt ống hậu môn và nâng cao tính thẩm mỹ.

Các dụng cụ mổ trĩ

7. Dùng phương pháp khoanh niêm mạc cắt trĩ
Đây là phương pháp truyền thống, hiện nay không còn được ưu tiên lựa chọn trong phẫu thuật cắt trĩ. Điểm trừ của phương pháp này là gây cảm giác đau đớn trong phẫu thuật và cả sau hậu phẫu, tỉ lệ tái phát bệnh cao chiếm khoảng 10%, có thể gây ra các biến chứng sau phẫu thuật như: đại tiện mất tự chủ, rò hậu môn và hẹp lỗ hậu môn.
Cách thực hiện: Bác sĩ tiến hành khoanh cắt niêm mạc và lớp dưới niêm mạc. Sau đó, kéo niêm mạc từ trên xuống và tiến hành khâu liền với vùng da hậu môn.

IV. Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật cắt trĩ cho người bệnh
Một số lưu ý khi chăm sóc sau phẫu thuật cắt trĩ giúp người bệnh mau lành vết thương, tránh nhiễm trùng và phục hồi sức khỏe như:
• Vệ sinh sạch sẽ vết mổ bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha muối loãng. Rửa nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm tổn thương vết mổ.
• Sau khi vệ sinh vết mổ, sát khuẩn lại vết thương bằng dung dịch betadine 10%.
• Có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân giúp bệnh nhân tăng sức đề kháng và sớm phục hồi sức khỏe. Người nhà bệnh nhân hãy chú ý tăng khẩu phần ăn nhiều chất xơ, rau xanh, các loại hoa quả tươi và các loại protein từ thịt, cá, thịt bò, thịt lợn… Tránh ăn các đồ ăn cay nóng hoặc gia vị cay nóng.

ThS.Bs: Nguyễn Đình Tạo – Khoa Ngoại Bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here