Phẫu thuật nội soi tắc ruột tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh

0
90

Chiều ngày 6 tháng 3 năm 2024, các bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh đã phẫu thuật nội soi điều trị nghẹt ruột cho bệnh nhân Lưu Thị Thanh H. 54 tuổi, thường trú tại phường Lê Mao, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.

Chị H. có tiền sử mổ u xơ tử cung cách 20 năm, thi thoảng có đau bụng cơn ngắn rồi tự khỏi. Tối qua, chị đau quặn bụng kéo dài, nên được gia đình đưa vào bệnh viện gần nhà cấp cứu.

     Sau 16 giờ điều trị, chị H. thấy cơn đau ngày càng dày hơn, mức độ đau ngày càng nặng hơn, nên xin chuyển viện đến Bệnh viện Trường Đại học Ykhoa Vinh. Tại đây, chị được làm các xét nghiệm cần thiết, được chẩn đoán “Tắc ruột cơ học sau mổ – theo dõi nghẹt ruột” và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
     Qua hệ thống phẫu thuật nội soi, bác sỹ phát hiện một số quai ruột dính vào vết mổ tử cung trước đây, hình thành 1 cái thòng lọng. Các quai ruột phía trên chui qua thòng lọng này gây nghẹt ruột hoàn toàn. Đoạn ruột bị nghẹt bầm tím, có nguy cơ hoại tử nếu không phẫu thuật kịp thời. Các bác sỹ đã tháo quai ruột bị nghẹt, gỡ dính ruột, lập lại lưu thông tiêu hoá. Như vậy, 1 ca bệnh tắc ruột phức tạp và nguy kịch đã được chẩn đoán kịp thời và phẫu thuật thành công bằng phẫu thuật nội soi.

Sự nguy hiểm của tắc ruột sau mổ

      Tắc ruột sau mổ là biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật ở ổ bụng, đường tiêu hóa. Biến chứng này có thể gây ra những nguy hiểm nếu không được phát hiện, theo dõi và xử trí kịp thời cho người bệnh. Nếu để muộn, đoạn ruột nghẹt bị hoại tử, người bị tắc ruột có thể phải cắt nhiều đoạn ruột, thậm chí là có nguy hiểm đến tính mạng.

Tắc ruột sau mổ xảy ra khi nào?

      Biến chứng tắc ruột có thể xảy ra muộn hoặc sớm sau mổ. Tình trạng tắc ruột xuất hiện sau vài ngày phẫu thuật hoặc xảy ra ngay khi bệnh nhân còn nằm viện trong giai đoạn theo dõi sau phẫu thuật. Cũng có nhiều trường hợp tắc ruột có thể xảy ra sau khi bệnh nhân đã về nhà sinh hoạt bình thường. Thậm chí tắc ruột xảy ra sau nhiều năm.
      Đối với trường hợp người bệnh còn đang được theo dõi trong viện thì xử trí sẽ dễ dàng hơn, đôi khi chỉ cần đặt ống hút làm xẹp ruột và truyền dịch là bệnh nhân có thể ổn định, hết tắc ruột và không cần can thiệp nghiêm trọng bằng cách phẫu thuật.
  • Tắc ruột muộn sau mổ thường do dính ruột hay nghẹt ruột, gọi là tắc ruột cơ học, bắt buộc phải mổ để giải quyết nguyên nhân.

Dấu hiệu tắc ruột sau mổ

Bệnh nhân có biến chứng tắc ruột sau mổ thường có các biểu hiện rõ ràng như sau:
  • Đau bụng từng cơn, cơn đau ngày càng nhiều.
  • Buồn nôn và nôn ngày càng tăng.
  • Bệnh nhân không trung, đại tiện.
  • Bụng ngày càng chướng lên.
  • Nhu động ruột có dấu hiệu như rắn bò, tăng nhu động ruột ngày càng tăng.

Khi có các dấu hiệu lâm sàng, người bệnh tiếp tục được chẩn đoán bằng các phương pháp cận lâm sàng và phát hiện các hiệu cụ thể chính xác hơn bằng cách:

  • Siêu âm thấy các quai ruột giãn rộng, có dịch trong ổ bụng, kết hợp với tình trạng nhiễm trùng trong lòng tử cung hoặc vết mổ.
  •  Chụp X-quang bụng không chuẩn bị, thấy một hoặc nhiều quai ruột giãn ra với mực nước hơi thường là ruột non.
  • Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được xét nghiệm công thức máu có kết quả dấu hiệu nhiễm trùng, bạch cầu máu tăng, ure máu và ion đồ cho kết quả có sự rối loạn nước điện giải.

Nhiều trường hợp người bệnh chủ quan với các dấu hiệu lâm sàng, các cơn đau bụng sẽ ngày càng dữ dội, có choáng, vã mồ hôi, nhợt người đi, hoặc đi ngoài ra máu. Nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tình trạng xoắn ruột hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị tắc ruột sau mổ

  • Để xử trí hiệu quả và kịp thời tắc ruột sau mổ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ giải quyết tùy vào tình trạng, nguyên nhân tắc ruột của từng người.
  • Đối với trường hợp tắc ruột ngay sau khi mổ, vẫn trong quá trình nằm viện theo dõi sau mổ thì việc xử lý sẽ dễ dàng và kịp thời hơn.
  • Trường hợp tắc ruột lâu sau khi mổ sẽ phức tạp hơn trong điều trị, bởi nhiều lý do như sự chủ quan của bệnh nhân dễ dẫn đến tình trạng tắc ruột nặng và nghiêm trọng hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn trường hợp tắc ruột sẽ phải phẫu thuật để ổn định tình hình.
  • Hầu hết bệnh nhân như vậy phải mổ mở bằng vết mổ dài, gây đau đớn cho bệnh nhân. Chính mổ mở là 1 nguy cơ gây tắc ruột lại sau đó.
  • Khi tắc ruột, các đoạn ruột trong ổ bụng đều căng hơi, nên rất khó để phẫu thuật nội soi. Chỉ một số phẫu thuật viên có kinh nghiệm, mới có thể giải quyết nguyên nhân bằng phẫu thuật nội soi. Mổ nội soi ngoài ít đau và tính thẩm mỹ, còn ít gây tổn thương thêm phúc mạc, hạn chế tối đa nguy cơ tắc ruột lại về sau.

Làm gì để tránh tắc ruột sau mổ? 

       Tình trạng tắc ruột có một phần liên quan đến chế độ sinh hoạt và ăn uống của người bệnh sau khi mổ. Để tránh tình trạng tắc ruột xảy ra, giai đoạn hậu phẫu, người bệnh cần vận động sớm, phù hợp với thể lực để tránh ruột bị ì ạch dẫn đến dính nguy cơ dính vào nhau. Các bác sĩ khuyến nghị người bệnh nên ngồi dậy sớm, vận động quanh giường ngay sau mổ từ ngày thứ 2 trở đi, tùy vào thể lực sau mổ. Điều này giúp ruột có điều kiện lưu thông trở lại và sớm có nhu động. Khi ruột được hoạt động bình thường sớm thì sẽ trượt lên nhau và tránh được tình trạng dính ruột.
      Bên cạnh đó, chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng tránh tắc ruột. Trẻ em, người già yếu nên tránh các thực phẩm xơ như măng, mướp, rau rút…; các loại hoa quả có nhiều tanin như ổi, hồng, chay bởi các thực phẩm này gây kết dính với nhau dễ dàng tạo nên các khối bã thức ăn, gây tắc trong lồng ruột.
Bài viết bởi Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Đình Tạo, Khoa Ngoại Tổng hợp

Hình ảnh ca phẫu thuật nội soi tắc ruột cho bệnh nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here