SINH HOẠT KHOA HỌC VỀ ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG

0
1480
Bệnh viện Đại học y khoa Vinh kết hợp với hãng Novatis tổ chức buổi sinh hoạt khoa học về chẩn đoán và điều trị loãng xương.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Cao Trường Sinh, báo cáo về tình hình loãng xương tại địa bàn tỉnh Nghệ An và nêu tổng quát về các phương pháp phòng chữa và hiệu quả đặc biệt của thuốc Aclasta của hãng Novatis.
Ban biên tập xin giới thiệu nội dung bài báo cáo của Pgs.Ts. Cao Trường Sinh:
I. Đại cương
Loãng xương (Osteoporosis) là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến tổn thương độ chắc của xương đưa đến tăng nguy cơ gẫy xương. Độ chắc của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.
Khối lượng xương được biểu hiện bằng:
+ Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD).
+ Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC).
Chất lượng xương phụ thuộc vào:
+ Thể tích xương.
+ Vi cấu trúc của xương (Thành phần chất nền và chất khoáng của xương).
+ Chu chuyển xương (Tình trạng tổn thương vi cấu trúc xương, tình hình sửa chữa cấu trúc của xương).
Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát)
+ Tăng quá trình huỷ xương.
+ Giảm quá trình tạo xương.
+ Các tế bào tạo xương (Osteoblast) bị lão hoá.
+ Sự hấp thu calci ở ruột bị hạn chế.
+ Sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục (nữ và nam).
Loãng xương nguyên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gẫy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Loãng xương sau mãn kinh
Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột oestrogen khi mãn kinh.
+ Tăng quá trình huỷ xương.
+ Quá trình tạo xương bình thường.
Loãng xương thứ phát: sau các bệnh khác như ung thư, lao, tác dụng phụ của thuốc khác…
II. Phác đồ điều trị loãng xương
1. Các phương pháp không dùng thuốc (bao gồm dự phòng và điều trị).
– Chế độ ăn uống: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci (theo nhu cầu của cơ thể : từ 1.000-1.500mg hàng ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, café, rượu… tránh thừa cân hoặc thiếu cân.
– Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…
Sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng) giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
2. Các thuốc điều trị loãng xương
a) Các thuốc bổ sung nếu chế độ ăn không đủ (dùng hàng ngày trong suốt quá trình điều trị).
+ Calci: cần bổ sung calci 500 – 1.000mg hàng ngày.
+ Vitamin D 800 UI hàng ngày (hoặc chất chuyển hoá của vitamin D là Calcitriol 0,25 – 0,5 mcg, thường chỉ định cho các bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận vì không chuyển hóa được vitamin D).
b) Các thuốc chống hủy xương: Làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương.
+ Nhóm Bisphosphonat: Hiện là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị các bệnh lý loãng xương.
Chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, dưới 18 tuổi, suy thận với mức lọc cầu thận (GFR)<35 ml/phút. Alendronat 70mg hoặc Alendronat 70mg + Cholecalciferol 2800UI uống sáng sớm, khi bụng đói, một tuần uống một lần, uống kèm nhiều nước. Sau uống nên vận động, không nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút.
Tác dụng phụ chủ yếu của bisphosphonate dạng uống: là kích ứng đường tiêu hóa như: viêm thực quản, loét dạ dày, nuốt khó…
Alasta chứa hoạt chất Zoledronic acid 5mg, truyền tĩnh mạch mỗi năm một liều duy nhất. Thuốc có khả dụng sinh học vượt trội hơn đường uống, không gây kích ứng đường tiêu hóa và cải thiện được sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Chú ý bổ sung đầy đủ nước, calci và vitamin D trước và sau khi truyền để đảm bảo hiệu quả.
+ Calcitonin (chiết suất từ cá hồi) 100UI tiêm dưới da hoặc 200UI xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày. Chỉ định ngắn ngày (2 – 4 tuần) trong trường hợp mới gẫy xương, đặc biệt khi có kèm triệu chứng đau. Không dùng dài ngày trong điều trị loãng xương, khi bệnh nhân giảm đau, điều trị tiếp bằng nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch).
+ Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon: Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh: Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs): 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
c) Thuốc có tác dụng kép Strontium ranelat.
+ Thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương, đang được coi là thuốc có tác động kép phù hợp hoạt động sinh lý của xương.
+ Liều dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối (sau bữa ăn 2 giờ, trước khi đi ngủ tối).
+ Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonates. Thuốc ức chế osteocalcin: Menatetrenon (vitamin K2).
d) Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết.
+ Thuốc làm tăng quá trình đồng hoá: Deca Durabolin và Durabolin.
3. Điều trị triệu chứng
– Đau cột sống, đau dọc các xương…(khi mới gẫy xương, lún xẹp đốt sống): Chỉ định calcitonine và các thuốc giảm đau theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới. Có thể kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 (phối hợp nhóm opiat nhẹ và vừa), thuốc giãn cơ…
– Chèn ép rễ thần kinh liên sườn (đau ngực khó thở, chậm tiêu, đau lan theo rễ thần kinh, dị cảm, tê…): Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B … nếu cần.
4. Theo dõi và quản lý
Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát để bảo đảm sự tuân thủ điều trị. Nếu không tuân thủ điều trị, sẽ không có hiệu quả điều trị.
Có thể sử dụng một số markers chu chuyển xương để hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng gãy xương, tiên lượng tình trạng mất xương và theo dõi điều trị.
Đo khối lượng xương (phương pháp DXA) mỗi 2 năm để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.
Thời gian điều trị phải kéo dài từ 3 – 5 năm (tùy mức độ loãng xương), sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định các trị liệu tiếp theo.
5. Phòng bệnh
Cung cấp đầy đủ calci, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể.
Duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp dự trữ calci cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gẫy xương.
Hạn chế một số thói quen: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ít vận động…
Khi bệnh nhân có nguy cơ loãng xương (BMD từ -1,5 đến – 2,4 SD), nhưng lại có nhiều yếu tố nguy cơ: phải dùng corticosteroid để điều trị bệnh nền, tiền sử gia đình có gẫy xương do loãng xương, nguy cơ té ngã cao…, bisphosphonates có thể được chỉ định để phòng ngừa loãng xương.
PGS.TS. Cao Trường Sinh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here