TRIỂN KHAI PHẪU THUẬT U TUYẾN GIÁP TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y KHOA VINH

0
2254

1. Khối U tuyến giáp là bệnh gì?
U tuyến giáp lành tính là những khối u (bướu) chứa đầy chất rắn hoặc chất lỏng hình thành trong tuyến giáp – một tuyến nhỏ nằm trước vùng cổ, ngay trên xương ức.
Hầu hết các khối u tuyến giáp là lành tính, nhưng có khoảng 5% là ác tính. Các khối u lành tính có thể bao gồm u dạng tuyến của tuyến giáp, u nang tuyến giáp và bướu giáp đa nhân.

ThS.Bs: Nguyễn Đình Tạo khám và điều trị cho bệnh nhân có khối u.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến giáp lành tính?
Hầu hết các khối u tuyến giáp lành tính không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Đôi khi, một vài khối u ở tuyến giáp trở nên quá lớn mà:
• Người bệnh tự sờ thấy
• Được người khác nhìn thấy, thường là sưng ở phần cổ
• Đè vào khí quản hoặc thực quản, gây khó thở hoặc nuốt nghẹn.
Trong một số trường hợp, các khối u lành tính sản sinh ra nhiều thyroxine, một hormone tiết ra bởi tuyến giáp, hơn bình thường. Mức thyroxine cao có thể gây triệu chứng cường giáp như:
• Giảm cân không rõ nguyên nhân
• Tăng tiết mồ hôi
• Run tay
• Hồi hộp
• Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp
Khoảng 5% u tuyến giáp là ung thư (ác tính). Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp phát triển chậm và có thể còn nhỏ khi mới phát hiện. Chẩn đoán Ung thư tuyến giáp bắt buộc phải có xét nghiệm Giải phẫu bệnh học.

3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
• Sờ thất khối u tuyến giáp
• Giảm cân đột ngột mặc dù vẫn thèm ăn bình thường
• Hồi hộp, tim đập nhanh kéo dài.
• Rối loạn giấc ngủ
• Yếu cơ
Mặc dù hầu hết các bướu tuyến giáp không phải ung thư (lành tính) và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra bất kỳ chỗ sưng khác thường nào ở cổ, đặc biệt nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc nuốt nghẹn.

4. Nguyên nhân nào gây ra u tuyến giáp lành tính ?
Các nguyên nhân gây ra bệnh gồm:
• Thiếu iốt. Thiếu hụt lượng iốt trong chế độ ăn uống hàng ngày đôi khi có thể gây ra những bướu giáp nhân.
• Mô tuyến giáp bình thường tăng sinh quá mức. Nguyên nhân này vẫn chưa được biết rõ, sự tăng sinh quá mức như vậy đôi khi được xem là u dạng tuyến của tuyến giáp – không phải là ung thư và không được xem là nghiêm trọng trừ khi sự tăng sinh này gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh do kích thước của khối u. Một số loại u dạng tuyến của tuyến giáp (các tế bào tuyến giáp tự trị hoặc cường chức năng) sản sinh ra các hormone giáp ngoại lai vượt khỏi tầm kiểm soát cân bằng của tuyến yên, dẫn tới sự tăng sinh quá mức hormone giáp trạng (được gọi là cường giáp).
• Nang giáp. Các khoang chứa đầy dịch (được gọi là nang) là loại phổ biến trong những u dạng tuyến của tuyến giáp. Thông thường, các thành phần rắn được trộn lẫn với dịch trong các nang giáp. U nang tuyến giáp thường lành tính, nhưng thỉnh thoảng có thể chứa các thành phần ác tính.
• Viêm tuyến giáp mạn tính (viêm tuyến giáp). Bệnh Hashimoto, một rối loạn của tuyến giáp, có thể gây ra viêm tuyến giáp, dẫn đến bướu giáp nhân. Điều này thường liên quan đến việc suy giảm hoạt động tuyến giáp (còn gọi là nhược giáp).
• Bướu giáp đa nhân: Một bướu giáp đa nhân bao gồm nhiều bướu nhỏ khác nhau.

5. Những ai thường mắc phải u tuyến giáp lành tính?
Khoảng 40% người trưởng thành thường có một khối u hoặc nhiều khối u. Bệnh này phổ biến hơn ở phụ nữ. Khoảng 8–65% bệnh nhân có tuyến giáp bình thường với nhiều bướu nhỏ có thể nhìn thấy rõ, ngược lại tỷ lệ người mắc u ác tính là 2–5%. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

6. Phương pháp nào dùng để chẩn đoán u tuyến giáp lành tính?
Khi đánh giá khối u tuyến giáp, bác sĩ cần loại trừ khả năng ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, bác sĩ còn kiểm tra một số chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm bao gồm:
• Khám sức khỏe. Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng của cường giáp, như run tay, tăng phản xạ, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp; cũng như các dấu hiệu nhược giáp như nhịp tim chậm, da khô và phù niêm trước xương chày.
• Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: T3, T4 và TSH.
• Siêu âm: Siêu âm có thể được sử dụng để phân biệt cấu trúc dạng nang với u đặc hoặc xác định sự hiện diện của đa nhân trong tuyến giáp.
• Sinh thiết bằng kim nhỏ: sinh thiết để bác sĩ chắc chắn không có sự hiện diện của tế bào ung thư. Phương pháp này giúp phân biệt giữa u giáp lành tính và ác tính.
• Xét nghiệm giải phẫu bệnh: Mẫu sinh thiết được gửi đến phòng thí nghiệm và phân tích dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này có thể thực hiện trước, tức thì trong mổ, hoặc bệnh phẩm sau mổ.
• Xạ hình tuyến giáp. Một đồng vị phóng xạ iốt được tiêm vào tĩnh mạch cánh tay khi bệnh nhân nằm trên bàn, cùng lúc đó một máy ảnh đặc biệt quét qua tạo nên hình ảnh tuyến giáp trên màn hình máy tính.

7. Những phương pháp nào dùng để điều trị u tuyến giáp lành tính?
• Điều trị với thuốc kháng giáp. Việc điều trị u tuyến giáp lành tính có thể dùng levothyroxine (Levoxyl®, Synthroid®,…), một dạng tổng hợp thyroxine chiết xuất dạng viên. Việc cung cấp thêm hormone tuyến giáp sẽ báo hiệu tuyến yên sản sinh ra TSH ít hơn (TSH là hormone kích thích sự phát triển của mô tuyến giáp).
• Phẫu thuật: phần lớn khối u tuyến giáp lành tính cần phẫu thuật, đặc biệt trong trường hợp nó lớn đến nỗi khiến bạn khó thở hoặc nuốt nghẹn. Phẫu thuật cũng được xem xét đối với bướu nghi ngờ ác tính để kiểm tra các dấu hiệu ung thư chính xác nhất.
Việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị khối u tuyến giáp lành tính tương đối dễ dàng. Bất cứ khi nào phát hiện một khối u ở vùng cổ, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng vì tỷ lệ u ác tính của tuyến giáp tương đối thấp.

8. Nên mổ bệnh u tuyến giáp ở đâu
Trong phẫu thuật khối u tuyến giáp, có 3 vấn đề quan trọng nhất đặt ra:
 a) Chẩn đoán lành – ác trước, trong mổ và đủ khả năng mổ cắt giáp toàn bộ kèm vét hạch cổ thường quy.
 b) Không để xảy ra tai biến “Khàn giọng” sau mổ do tổn thương thân kinh thanh quản quặt ngược.
c) Không để xảy ra tai biến “co quắt chân tay” sau mổ do tổn thương tuyến cận giáp.

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương có thể triển khai phâu thuật này. Nhưng khuyên bạn nên chọn bệnh viện nào có đủ thầy thuốc và thiết bị 2 chuyên ngành Ung bướu và giải phẫu bệnh, để đảm bảo an toàn cho bạn.

9. Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh có đội ngũ Y, bác sĩ, thầy thuốc đủ các chuyên khoa, trong đó có đủ bác sỹ chuyên khoa Ung bướu và chuyên khoa Giải phẫu bệnh. Có hệ thống phòng mổ và máy mọc xét nghiệm hiện đại để chẩn đoán chính xác và điều trị triệt để các bệnh lý khối u tuyến giáp.

Bệnh viện trường Đại học Y khoa Vinh

ĐC: 161B – Nguyễn Phong Sắc – Tp.Vinh – Nghệ An.

Xin lưu ý: Bệnh nhân có BHYT tuyến huyện trên khắp cả nước đều được tiếp nhận điều trị, được hưởng đầy đủ quyển lợi bảo hiểm y tế mà không cần giấy chuyển viện.

ThS.Bs. Nguyễn Đình Tạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here