Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý thường gặp ở trẻ, ảnh hưởng đến chức năng của thận. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ tiến triển thành viêm cầu thận mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ 2-12 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh viêm cầu thận cấp ở các trẻ trai cao gấp đôi trẻ gái. Bệnh có liên quan trực tiếp đến các yếu tố vệ sinh môi trường và điều kiện sống. Bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra vào mùa hè và mùa đông.
Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Nguyên nhân phổ biến gây viêm cầu thận cấp ở trẻ em là do liên cầu khuẩn β nhóm A tan huyết. Bệnh thường xảy ra sau các bệnh nhiễm trùng ở họng (viêm họng, viêm amidan) hoặc nhiễm trùng ở da như chốc lở…
- Trẻ dưới 3 tuổi: Mắc viêm cầu thận cấp sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da như viêm da, chốc đầu.
- Trẻ trên 3 tuổi: Mắc viêm cầu thận cấp sau khi bị viêm họng, viêm amidan.
Biểu hiện viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Trẻ khi bị viêm cầu thận cấp thường sẽ có các biểu hiện sau:
- Phù: mí mắt, phù mặt, phù chân, (phù thường xảy ra vào buổi sáng).
- Nước tiểu có màu đỏ như nước rửa thịt hoặc nâu sẫm.
- Nước tiểu có bọt
- Tiểu ít
- Trẻ mệt mỏi kém chơi
- Khó thở
- Da nhợt nhạt, xanh xao
- Chán ăn
- Có thể xuất hiện các triệu chứng của cao huyết áp: đau đầu, co giật,…
Lưu ý:
– Triệu chứng đái máu chỉ xuất hiện trong tuần đầu sau khi mắc bệnh.
– Tiểu ít thường thường xảy ra trong tuần đầu tiên, kéo dài khoảng 3-4 ngày.
– Huyết áp có thể tăng khoảng 140/90 mmHg, thậm chí lên đến 180/100 mmHg khi trẻ bị viêm cầu thận cấp.
Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Khi trẻ có các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị viêm cầu thận cấp, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Để chẩn đoán bệnh cho trẻ, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh trước đây của trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số thủ thuật y khoa như:
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra xem máu và protein có lẫn vào nước tiểu không.
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra chức năng của thận, thành phần của máu, và tìm kiếm các kháng thể chống lại kháng nguyên liên cầu.
- Chụp X-quang, chụp CT, siêu âm: Kiểm tra các cơ quan trong cơ thể thông qua hình ảnh.
- Cấy vi khuẩn ở họng, da.
- Đo điện tâm đồ: nhằm kiểm tra huyết áp và các tổn thương ở tim (nếu có).
- Sinh thiết thận: được thực hiện khi trẻ mắc bệnh suy thận nặng và các triệu chứng của viêm cầu thận cấp không có dấu hiệu thuyên giảm.
Điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em là giảm gánh nặng cho thận, hỗ trợ chức năng lọc máu, tạo nước tiểu của thận, phát hiện sớm và có phương hướng điều trị kịp thời các biến chứng do bệnh gây ra, đồng thời, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát. Vì vậy, phần lớn trẻ bị viêm cầu thận cấp sau khi được điều trị đều có thể hồi phục hoàn toàn mà không còn bất kỳ tổn thương nghiêm trọng nào đến thận (chiếm 90% trường hợp trẻ mắc bệnh).
Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm: tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của trẻ, tiền sử bệnh, nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi của trẻ, khả năng đáp ứng của trẻ đối với phương pháp trị liệu, nguyện vọng của bệnh nhân và người nhà.
Các phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp hiện nay gồm:
- Điều trị nhiễm trùng do liên cầu khuẩn: bác sĩ sẽ tập trung điều trị nhiễm trùng và các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Bác sĩ có thể điều trị bệnh cho trẻ bằng kháng sinh Penicillin hoặc một kháng sinh khác.
- Điều trị tăng huyết áp do viêm cầu thận cấp: Tùy vào cơ địa và khả năng đáp ứng của trẻ, bác sĩ có thể chọn thuốc và điều chỉnh liều lượng phù hợp để hạ huyết áp…
- Điều trị lợi tiểu: Viêm cầu thận cấp khiến trẻ đi tiểu ít hơn bình thường, nước bị tích tụ trong cơ thể khiến trẻ bị phù, mệt mỏi. Vì vậy, bác sĩ sẽ điều trị lợi tiểu cho trẻ bằng các loại thuốc như Furosemide….
- Chế độ nghỉ ngơi: Trẻ mắc bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, chơi đùa, chạy nhảy cho đến khi huyết áp trở về mức bình thường, ổn định, cơ thể hết phù. Hơn nữa, trẻ cần hạn chế uống nước và lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày cho đến khi bệnh hồi phục.
- Chế độ ăn uống: Ăn ít muối giúp cơ thể cải thiện và kiểm soát huyết áp tốt hơn, ngăn chặn nguy cơ ứ nước dẫn đến phù nề ở các cơ quan khác.
Sau điều trị: Các triệu chứng sẽ thuyên giảm và biến mất sau khoảng 2-3 tuần. Tuy nhiên, khi xét nghiệm máu, tình trạng máu bị lẫn trong nước tiểu vẫn sẽ có thể tồn tại đến 1 năm, hàm lượng protein trong nước tiểu giảm dần và có thể kéo dài cho đến 6 tháng. Do đó, sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, trẻ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ và tái khám định kỳ (thường là sau xuất viện 1 tháng, 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 12 tháng).
Biến chứng viêm cầu thận cấp ở trẻ
Viêm cầu thận cấp ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể chuyển biến thành viêm cầu thận mãn tính và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Tăng huyết áp
- Suy thận
- Phù phổi
- Phù não
- Suy tim
- Vô niệu
- Thận hư
- Tử vong,…
Cách phòng bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em
- Chống nhiễm liên cầu khuẩn bằng cách cho trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh viêm họng liên cầu khuẩn, giữ vệ sinh cơ thể, tắm gội sạch sẽ để tránh viêm da, chốc đầu.
- Phát hiện và điều trị sớm viêm họng do liên cầu khuẩn.
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh viêm cầu thận cấp.
- Ở các trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn liên cầu như viêm họng viêm da cần điều trị dự phòng Penicillin với liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Với trẻ đã bị viêm cầu thận cấp, đề phòng tái phát bằng cách điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn do liên cầu và giữ ấm cho trẻ, tránh lạnh đột ngột.
Nếu phát hiện và điều trị sớm, trẻ em mắc bệnh viêm cầu thận cấp có thể phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn hô hấp hoặc viêm cầu thận, cha mẹ nên nhanh chóng cho trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế uy tín.
Bài viết bởi ThS.BS. Lê Thị Thanh Huyền
Để đặt lịch khám, tư vấn, phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm cầu thận do liên cầu tại Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh, quý bệnh nhân, quý khách hàng có thể liên hệ cho bệnh viện theo địa chỉ dưới đây.
- Hotline : 0373 666 115
- Website: https://www.benhviendaihocykhoavinh.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/vmuhospital
- Thời gian làm việc : Tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày thứ 7, CN & ngày lễ.
- Địa chỉ: 161B Nguyễn Phong Sắc- Phường Hưng Dũng – TP Vinh – Nghệ An.