Viêm tuyến nước bọt dưới hàm do sỏi

0
2196

VIÊM TUYẾN NƯỚC BỌT DƯỚI HÀM DO SỎI

  1. Đại cương

   Viêm tuyến nước bọt dưới hàm do sỏi là tình trạng viêm, tổn thương tuyến nước bọt nguyên nhân do có sỏi ở vùng tuyến hoặc ống tuyến dưới hàm.

    Sỏi tuyến nước bọt dưới hàm thường có kích thước nhỏ làm ngăn chặn dòng nước bọt tiết ra miệng, gây đau khó chịu. Trường hợp sỏi to gây bít tắc ống tuyến dẫn đến viêm ống tuyến, áp xe tuyến, nặng nề nhất là ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng mặt gây méo miệng, tê bì,…

    Sỏi tuyến dưới hàm hình thành khi lắng đọng các chất trong nước bọt tích tụ ở lòng ống dẫn hoặc tuyến nước bọt.

  1. Yếu tố nguy cơ của viêm tuyến nước bọt dưới hàm do sỏi

  • Nam giới trong độ tuổi trưởng thành
  • Bệnh nhân ung thư đã xạ trị vùng đầu – mặt – cổ.
  • Chấn thương vùng hàm mặt, miệng.
  • Sử dụng thuốc kháng cholinergic, kháng histamin (chống dị ứng), thuốc điều trị huyết áp, thuốc tâm thần ảnh hưởng đến chức năng tiết nước bọt
  • Mắc bệnh gúthoặc hội chứng Sjogren
  • Uống ít nước…
  1. Triệu chứng của sỏi tuyến nước bọt

     Sỏi nước bọt thường không gây ra các triệu chứng khi ở giai đoạn đang hình thành. Khi sỏi có kích thích lớn hoặc tuyến bị chặn hoàn toàn do sỏi có thể gây ra các triệu chứng sau:

3.1. Triệu chứng toàn thân

  • Sốt cao trong trường hợp viêm cấp hoặc áp xe
  • Sưng hạch dưới hàmcùng bên

3.2. Triệu chứng tại chỗ

  • Tuyến dưới hàm sưng phồng lên do sỏi làm tắc nước bọt xảy ra trong bữa ăn, ứ lại trong tuyến. Khi nước bọt thoát ra được thì hết sưng tuyến và hết đau.

Đau và sưng ở vùng dưới hàm

      Sưng vùng dưới hàm: Ranh giới rõ, nếu trong đợt cấp thì có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, sờ đau. Nếu không phải đợt cấp thì da trên vùng sưng bình thường, nắn chắc, ít đau.

  • Đau hoặc sưng vùng dưới hàm 1 hoặc 2 bên trước tai, đau tăng khi ăn.
  • Trong miệng khám thấy lỗ ống Wharton nề đỏ, sờ có thể thấy sỏi ở vùng ống tuyến. Khi vuốt dọc ống tuyến về phía miệng ống tuyến, có thể có mủ chảy ra.

3.3. Triệu chứng cận lâm sàng

  • X- quang thường quy: Có thể thấy hình ảnh sỏi ở tuyến hoặc ống tuyến.
  • CT Scanner: Thấy vị trí, kích thước của sỏi, phì đại tuyến dưới hàm.
  • Chụp cản quang tuyến dưới hàm: Có hình ảnh chuỗi ngọc trai điển hình với đặc điểm ống Wharton to, giãn nỡ không đều.
  1. Các biến chứng của sỏi tuyến nước bọt dưới hàm
  • Viêm tấy vùng sàn miệng khiến bệnh nhân đau dữ dội cả vùng miệng, lan lên tai ảnh hưởng đến ăn uống, nhai, nuốt, hạn chế há miệng, ảnh hưởng đến giấc ngủ do bệnh nhân đau nhức cả đêm.
  • Có thể trở thành viêm mạn tính. Đôi khi, nhiễm trùng lan tỏa cả vùng sàn miệng, tiên lượng rất nặng nề.
  • Có trường hợp tổ chức viêm tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.
  1. Điều trị sỏi tuyến nước bọt

5.1. Nguyên tắc điều trị

  • Kháng sinh, chống viêm, giảm đau
  • Đối với sỏi kích thước nhỏ, mát xa vùng dưới hàm có thể đưa sỏi ra ngoài.
  • Phẫu thuật lấy sỏi tuyến dưới hàm và điều trị bảo tồn tuyến hoặc cắt bỏ tuyến theo đúng chỉ định

5.2. Điều trị cụ thể

      Phẫu thuật lấy sỏi, điều trị bảo tồn tuyến hoặc cắt bỏ tuyến hoàn toàn tùy trong trường hợp, cụ thể như sau:

  • Phẫu thuật lấy sỏi và điều trị bảo tồn tuyến chỉ định trong trường hợp sỏi ống tuyến và viêm tuyến chưa xơ hóa.

  • Phẫu thuật lấy sỏi và cắt bỏ tuyến dưới hàm chỉ định đối với những người bị sỏi tuyến tái phát hoặc tổn thương không hồi phục, xơ hóa đối với tuyến nước bọt.

      Viêm tuyến dưới hàm do sỏi được điều trị sớm bằng việc lấy sỏi ống tuyến sẽ bảo tồn được tuyến dưới hàm với kết quả điều trị tốt. Trường hợp lấy bỏ sỏi muộn thì tuyến dưới hàm dễ viêm mạn xơ hóa, dẫn đến phải cắt bỏ tuyến. Do vậy nếu nghi ngờ viêm tuyến nước bọt do sỏi cần được khám và điều trị sớm.

       Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng gọi cho BSCKII. Lê Xuân Thu qua số điện thoại: 0913342193 hoặc đến đăng ký khám để được tư vấn trực tiếp tại phòng khám Răng hàm mặt bệnh viện Trường Đại Học Y khoa Vinh.

                                         BSCKII. Lê Xuân Thu – Chuyên ngành Răng hàm mặt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here